Không ai có thể phủ nhận sự quan trọng của nước đối với cơ thể. Người bình thường luôn cần cung cấp nước cho cơ thể từ 1,5-2l mỗi ngày để giữ gìn sức khoẻ. Tuy nhiên điều này nếu được áp dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi thì liệu có tác dụng. Trên thực tế, có nhiều lời khuyên rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước nhiều. Vậy cơ thể của bé khi không được cung cấp nước sẽ như thế nào? Vì sao nhiều ý kiến cho rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây. Đừng bỏ qua để hiểu rõ hơn về cách chăm sóc con trẻ bạn nhé!
Mục Lục
Nước có thực sự cần thiết cho trẻ?

Nước là thành phần quan trọng của cơ thể, mất nước có thể đe dọa tính mạng bé yêu. Nhất là trong thời tiết nắng nóng, hoặc khi bé đang mắc bệnh, tình trạng mất nước sẽ nhiều hơn. Nhưng do chức năng thận của trẻ ở giai đoạn sơ sinh chưa hoàn thiện, nên nếu bổ sung quá nhiều nước có thể gây nguy hiểm cho bé.
Các cha mẹ thường được khuyên là trẻ sơ sinh trong giai đoạn 6 tháng đầu không được uống nước. Các bé trong giai đoạn này chủ yếu bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vì sao trẻ dưới 6 tháng tuổi lại không nên uống nước.
Sữa mẹ chứa hơn 80% là nước, đặc biệt là sữa đầu dòng (sữa đầu mỗi cữ bú). Do đó, bất cứ khi nào người mẹ cảm thấy con mình khát, mẹ có thể cho con bú. Điều này sẽ thỏa mãn “cơn khát” của bé và tiếp tục bảo vệ bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng.
Chia sẻ của Business Insider
Theo Business Insider, ở trẻ sơ sinh, thận của các bé chỉ có kích thước bằng một nửa của người lớn. Vì vậy, chúng chưa thể xử lý được lượng nước dư thừa trong cơ thể. Khi cho bé uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần sẽ khiến nồng độ natri trong cơ thể bị loãng đi. Lượng natri này sẽ thoát ra ngoài theo sự bài tiết nước thải, dẫn đến tình trạng thiếu hụt natri ở trẻ nhỏ. Nếu nhẹ, trẻ sẽ bị khó chịu, ngủ nhiều hơn mức bình thường, hạ nhiệt, phù mặt. Nặng hơn có thể dẫn đến hạ natri máu, nguy hiểm nhất là sưng não, co giật, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, trẻ dưới 6 tháng tuổi có kích thước dạ dày khá nhỏ. Uống nước có thể làm đầy dạ dày của trẻ. Bé sẽ cảm thấy no lâu sau khi uống nước và bỏ bú sữa. Điều này khiến bé khó nhận được dinh dưỡng cần thiết trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thậm chí, với trẻ phải uống sữa công thức, pha loãng sữa với quá nhiều nước cũng có thể gây ra tình trạng nhiễm độc nước. Điều này còn làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa công thức.
Chia sẻ của Healthline

Theo Healthline, khi trẻ được 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống lượng nước nhỏ, nhưng được đo theo thìa cà phê nhỏ, chứ không phải là bình nước. Đây là thời điểm cha mẹ có thể để bé làm quen với nước. Dù vậy, nguồn cung cấp nước chính của bé vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đến khi con được một tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống nước với số lượng tùy thích, cùng sữa bò và chế độ ăn giàu dinh dưỡng.